Ở các nước phát triển như Mỹ bảo hiểm xe hơi, nhà ở, y tế, nhân thọ gần như bắt buộc để giảm thiểu rủi ro và tiết kiệm chi phí cho người sử dụng. Do đó, đối với những người dù tới Mỹ du lịch/công tác ngắn ngày, hay tới Mỹ du học/ làm việc lâu dài, thậm chí định cư tại đây thì bạn nên tự trang bị bảo hiểm cho chính mình. Nó sẽ là “khiên bảo vệ” giúp bạn thích nghi và chuẩn bị tốt hơn cho một cuộc sống mới.
Bảo hiểm dành cho người mới sang Mỹ
Nước Mỹ có nền y tế hiện đại nhất thế giới nhưng không có hệ thống y tế quốc gia tức là các công dân, thường trú nhân Mỹ hoặc người sống tại Mỹ bằng các loại visa khác đều tự trả chi phí y tế của mình nếu không có bảo hiểm sức khoẻ. Các cơ sở phòng khám tại Mỹ có chất lượng dịch vụ tốt do đó chi phí của mỗi lần đi khám bệnh bạn có thể phải trả hàng trăm USD, tiền mua thuốc còn đắt hơn. Nếu không may gặp tai nạn hay bị bệnh nghiêm trọng, bạn có thể tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn USD để điều trị. Để khỏi phải tốn kém như vậy, bạn nên mua bảo hiểm sức khoẻ cá nhân khi sinh sống lâu dài tại Mỹ.
Thực tế, những người mới nhập cư sang Mỹ, nếu là người trên 65 tuổi, thanh thiếu niên dưới 21 tuổi hoặc gia đình có con dưới 21 tuổi, thì sẽ được hưởng chương trình y tế Medicaid của chính phủ. Đây là một chương trình bảo hiểm y tế rất tốt, và gần như không có một chi phí đáng kể nào.
Tuy nhiên, khi thu nhập của người mới sang Mỹ lọt vào khoảng thu nhập “hết nghèo nhưng chưa trung lưu”, thì đó là thời điểm sẽ nhìn thấy “mặt trái” của đồng tiền. Chúng ta không còn được hưởng các chương trình bảo hiểm y tế cho người có thu nhập thấp nữa, nhưng lương thì lại không đủ để mua bảo hiểm y tế cho gia đình. Vì vậy để tránh nằm trong vùng lưng chừng tử địa, hãy cố gắng tìm và đi làm cho một công ty nào chịu mua bảo hiểm y tế cho nhân viên và gia đình.
Người có visa J-1 (theo các chương trình giao lưu văn hoá) được yêu cầu phải có bảo hiểm sức khoẻ trong suốt thời gian ở Mỹ. Đối với các loại visa khác (như visa F1 cho sinh viên du học bậc Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ hay visa M cho sinh viên học nghề), Chính phủ Mỹ yêu cầu các trường phải có chính sách bảo hiểm sức khoẻ cho sinh viên. Vì vậy, hầu như trường đại học và cao đẳng nào ở Mỹ cũng yêu cầu sinh viên mua bảo hiểm sức khoẻ khi nhập học chính quy. Một số trường yêu cầu sinh viên mua bảo hiểm do trường cấp, nhưng hầu hết chấp nhận cho sinh viên tự mua, miễn là mức bảo hiểm đáp ứng yêu cầu của nhà trường.
Nhiều trường đại học và cao đẳng Mỹ cung cấp bảo hiểm sức khoẻ cho sinh viên quốc tế qua các đối tác. Song nhiều khi giá bảo hiểm của trường rất đắt, lên đến trên 1.000 – 2.000 USD/năm.
Sự lựa chọn và đảm bảo tối ưu từ gói bảo hiểm của các công ty độc lập
Các hãng bảo hiểm chuyên phục vụ sinh viên quốc tế thường cung cấp gói bảo hiểm vừa đáp ứng yêu cầu nhà trường, vừa có giá cạnh tranh so với bảo hiểm của trường. Nếu không có những công ty bảo hiểm độc lập thì các trường sẽ trở nên độc quyền, và khi đó sinh viên sẽ ít có sự lựa chọn. Nếu tự mua, bạn có thể được hưởng bảo hiểm với giá hợp lý hơn, có thể tiết kiệm được 100 – 800 USD, tuỳ giá bảo hiểm ở trường, tuổi và tình trạng sức khoẻ.
Chính sách bảo hiểm kéo dài từ năm ngày (thường dành cho những người đi thăm người thân hay dự hội thảo, tập huấn) đến sáu tháng hay một năm, và được gia hạn hàng năm. Giá tính theo ngày và theo tháng, nên bạn có thể trả bảo hiểm hàng tháng nếu muốn.
Đặc biệt, sinh viên có thể mua bảo hiểm ngay từ khi còn ở trong nước. Bạn cần có thẻ tín dụng hoặc một hình thức thanh toán điện tử nào đó. Lợi ích của việc mua trước là bạn bắt đầu được bảo hiểm ngay từ ngày đăng ký và không phải lo nếu có chuyện gì xảy ra khi đang trên đường đến Mỹ.
Riêng trường hợp gia đình sang sống hoặc thăm người nhà tại Mỹ, nếu mua tại trường thì giá cao và mức bảo hiểm rất thấp. Vậy các bạn nên tìm hiểu các gói bảo hiểm của một số công ty độc lập, vì sự lựa chọn và mức bảo hiểm đa dạng và phù hợp với nhu cầu của gia đình hơn
Lời khuyên khi mua bảo hiểm y tế
Để chủ động cho các trường hợp có thể xảy ra với sức khỏe của bạn, hãy nghiên cứu kỹ và tự mua bảo hiểm sức khoẻ, ví dụ đối với các du học sinh:
- Tìm hiểu xem trường bạn có cho phép sinh viên tự mua bảo hiểm y tế hay không. Nếu nhà trường cho phép, mức bảo hiểm là bao nhiêu, điều khoản yêu cầu gồm những gì.
- Xác định nhu cầu của bản thân về mặt y tế: Bạn có chơi thể thao? Bạn có đi cùng gia đình? Bạn có cần bảo hiểm cho người mang thai? Hiện bạn có bệnh cần điều trị?
- Liên hệ với các công ty bảo hiểm để tìm hiểu thông tin về các gói bảo hiểm hiện có. Đọc kỹ các chế độ bảo hiểm, mức bảo hiểm và những gì công ty bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm. Bảo hiểm sức khỏe thường được chi trả theo tháng với mức phí tương đương với những mức độ mà bạn muốn được bảo hiểm. Thông thường sinh viên mua bảo hiểm có những lựa chọn mỗi gói bảo hiểm với đặc thù riêng, nhưng hầu hết bao gồm phí khám sức khoẻ, nằm viện, tiền thuốc, cấp cứu, và phí hồi hương trong trường hợp hiểm nghèo.
- So sánh điều khoản, mức bảo hiểm, giá cả và chọn gói phù hợp nhất cho mình. Chẳng hạn một gói công bố mức bảo hiểm tối đa là 250.000 USD nhưng chỉ trả tối đa 1.300 USD một ngày khi nằm viện. Như vậy nếu phí nằm viện mỗi ngày cao hơn mức đó, bạn phải bỏ thêm tiền túi.
Giới thiệu Sim trả trước T-Mobile của Mỹ
Theo Cẩm Chi (USIS)