9 mẹo nhỏ giúp bạn bảo vệ sức khỏe khi đi du lịch

2308 0

Bị bệnh là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt khi bạn đang trên đường du lịch đến một nơi thú vị nào đó, bị bệnh vào lúc này sẽ khiến chuyến du lịch trở nên kém vui, bạn cũng sẽ không còn hứng thú đi du lịch nữa mà chỉ muốn trở về nhà càng sớm càng tốt. Những nơi bạn đến có thể tồn tại những loại virus, ký sinh trùng nào đó gây hại cho sức khỏe hoặc bạn có thể nhiễm bệnh ngay từ chính thức ăn địa phương.

Để tránh mọi rắc rối phiền phức có thể xảy ra, bạn nên chú ý phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Sau đây là 9 mẹo nhỏ cần lưu tâm, bạn hãy tham khảo để giữ cho mình một sức khỏe tốt trước khi xách ba lô lên và đi nhé!

1. Luôn rửa tay sạch sẽ

medicalpost0003

Điều này tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng nhớ để làm, nhất là khi đi du lịch, tâm trí bạn đều dồn vào những chuyến đi mà quên mất mình cần rửa tay sạch sẽ, không chỉ để loại bỏ bụi bẩn mà còn làm giảm bớt vi khuẩn. Rửa sạch tay sẽ giúp bạn tránh những căn bệnh như tiêu chảy, nôn ói, ngộ độc thực phẩm, cúm, đau dạ dày, sốt siêu vi hay thậm chí cả viêm gan A, một số căn bệnh nghe tưởng chừng đơn giản nhưng nó sẽ thành “thảm họa” nếu bạn đang đi du lịch ở một nước hoàn toàn xa lạ.

Những người có kinh nghiệm đi du lịch nhiều nơi trên thế giới chia sẻ bạn nên mang theo gel rửa tay kháng khuẩn, tất nhiên những thứ này không thể thay thế xà phòng hay nước. Nếu có thể, bạn nên rửa tay với nước ấm ít nhất 30 giây trước khi ăn và luôn luôn nhớ phải rửa tay sau khi đi toilet.

2. Nên uống nước suối

bottle-pour

Khi bạn không chắc rằng nguồn nước nơi bạn đang ở có sạch hay không, tốt nhất là nên tránh uống trực tiếp nước ở những nơi này. Cho dù bạn thấy những người dân bản địa có thể uống thoải mái, điều đó không có nghĩa là cơ thể của bạn cũng thích nghi với chúng. Tránh uống nước – cho dù đó là những viên nước đá – khi bạn nghi ngờ chúng không sạch.

Bạn nên uống nước đóng chai và nếu cẩn thận hơn, bạn nên kiểm tra xem chai nước đã bị mở nắp hay chưa trước khi uống. Ngoài ra, dùng nước đóng chai để đánh răng cũng là một ý tưởng hay vì vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua khoang miệng của bạn.

3. Cẩn trọng với thức ăn nhiễm bẩn

D72_8774

Thực phẩm bẩn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tiêu chảy và các căn bệnh về đường tiêu hóa. Nếu bạn không cẩn thận trong vấn đề ăn uống khi đi du lịch, bạn có thể làm cho mình nhiễm các loại khuẩn như E. coliShigellaSalmonellaGiardiaEntamoeba hystolyticaCampylobacterCryptosporidiaCyclospora

Bạn nên chắc chắn rằng những thứ bạn ăn là hoàn toàn tươi ngon, sạch, nấu chín kỹ và được phục vụ khi còn nóng.

Thức ăn đường phố được đánh giá cao bởi các tín đồ du lịch vì nó thể hiện đặc trưng văn hóa của nước mà bạn đến. Tuy nhiên, thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Bạn nên kiểm tra kỹ những hàng quán mà mình ghé vào, người bán sử dụng tay trần hay bao tay để chuẩn bị thức ăn cho bạn? Và họ có thay bao tay thường xuyên hay sử dụng một chiếc nhiều lần? Người tính tiền và người bán hàng là 2 người khác nhau hay cùng một người? Nếu cùng một người khi nhận tiền của bạn ít nhất người đó phải tháo bao tay hoặc không được vừa dùng tay làm đồ ăn vừa nhận tiền vì bạn biết đấy, tiền chứa rất nhiều vi khuẩn! Bạn cũng nên tìm hiểu xem người bán hàng có rửa tay sạch sẽ sau khi làm một việc gì đó trước khi chế biến món ăn cho bạn? Thức ăn sống được bao bọc kỹ hay để phơi ngoài đường? Có thể bạn nghĩ những điều này là nhỏ nhặt nhưng chúng rất quan trọng, một khi bạn đã ăn phải thực phẩm bẩn thì khả năng nhiễm khuẩn là rất cao!

Bạn cũng nên tránh – hoặc cực kỳ cẩn thận những vấn đề sau:

  • Salad có thể được rửa bằng nước bẩn
  • Trái cây và rau lạ bạn chưa từng ăn bao giờ
  • Thực phẩm để phơi ngoài đường phố trong thời gian dài
  • Thực phẩm dùng chung, ví dụ như đi ăn buffet, các loại thức ăn chưa nấu chin kỹ, còn sống hoặc nấu lại đặc biệt là thịt, cá hoặc cơm

Bạn chắc chắn không để tránh khỏi hoàn toàn việc bị đau bụng một hai lần khi đi du lịch – đặc biệt nếu bạn đi du lịch dài ngày – nhưng bạn có thể tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra đối với sức khỏe nếu hết sức cẩn thận trong việc ăn uống. Do đó, bạn nên bảo vệ cơ thể mình bằng cách chỉ ăn những thực phẩm sạch và không nên ăn những đồ ăn không đảm bảo vệ sinh.

4. Đừng ngại ăn những thức ăn quen thuộc với mình

Asian-Food-Header

Thưởng thức ẩm thực địa phương là thú vui không thể bỏ lỡ khi bạn đến thăm quan một đất nước nào đó nhưng cẩn thận vẫn là trên hết. Tránh ăn những loại thức ăn quá cay hoặc thịt đỏ sẽ tốt cho đường tiêu hóa của bạn.

Hiện tượng không dung nạp được thức ăn xảy ra khi bao tử bạn không thể tiêu hóa được thức ăn hoặc bạn ăn phải những thức ăn mà trước giờ chưa từng thử qua, điều này có thể gây đau bao tử, ợ hơi, khó chịu thậm chí có thể gây tiêu chảy, nôn mửa. Nếu bạn vẫn muốn thử thức ăn địa phương, mẹo nhỏ là bạn có thể kết hợp ăn kèm với những thực phẩm quen thuộc với bao tử của bạn.

Nếu bạn có một cái bụng “nhạy cảm”, đừng vội thử thức ăn địa phương ngay mà hãy để bao tử bạn thích nghi với hoàn cảnh trước. Ăn những đồ ăn quen thuộc tuy không thú vị nhưng sẽ giúp bạn tránh khỏi nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm nếu cơ thể của bạn quá nhạy cảm.

5. Hãy tập thể dục!

medicalpost0002

Một trong những cách tốt nhất để giữ gìn sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh là tập thể dục. Tập thể dục giúp bạn cải thiện sức khỏe mọi mặt và tăng cường hệ thống miễn dịch. Nếu bạn chẳng may bị bệnh, cơ thể của bạn cũng có sức phục hồi tốt hơn và chẳng mấy chốc sẽ khỏe lại.

6. Bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng mặt trời

hand-sky

Hiện nay, các chuyên gia khuyến khích bạn nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF thấp nhất là 15, nhưng đối với những trường hợp đi dưới nắng trong thời gian dài, bạn nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên.

Bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời sẽ giúp bạn tránh nguy cơ bị cháy nắng gây mất thẩm mỹ, tệ hơn có thể làm tăng nguy cơ ung thư da do tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời. Bạn nên nhớ uống nhiều nước khi đi du lịch đến những đất nước vùng nhiệt đới và cũng đừng quên đội nón, khoác áo chống nắng. Nếu không, cơ thể bạn sẽ mất nước rất nhanh, dẫn đến những trường hợp xấu như kiệt sức hay bị say nắng.

7. Tiêm vắc xin

medicalpost08

Tiêm vắc xin là một trong những cách bảo vệ sức khỏe hữu hiệu nhất. Câu nói “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” luôn đúng trong mọi trường hợp, nhất là khi bạn đi du lịch đến những vùng đất xa xôi, không có cách nào tránh dịch bệnh tốt hơn là tiêm vắc xin.

Bạn không cần thiết phải tiêm mọi loại vắc xin có sẵn, bạn nên xem xét coi là mình đã tiêm loại đó rồi hay chưa, nơi bạn đến là nơi nào, bạn sẽ ở lại đó bao lâu và bạn sẽ làm gì tại đó. Bạn hãy nhờ tư vấn của bác sỹ trước khi tiêm cho mình bất kỳ một loại vắc xin nào.

Sau đây là thông tin cơ bản về một vài loại vắc xin bạn có thể cần, thường  chia thành ba chủng loại:

  • Vắc xin tiêm chủng định kỳ là vắc xin mà bất cứ ai cũng phải tiêm khi còn bé hoặc khi đến tuổi trưởng thành, độ tuổi tiêm chủng khác nhau giữa các nước nhưng chủ yếu bao gồm các loại vắc xin: BCG; vắc xin ngừa phế cầu khuẩn liên hợp; bạch hầu, uốn ván, ho gà; viêm gan A, B; Haemophilus influenzae loại b; rotavirus; sởi, quai bị và rubella (MMR); HPV.
  • Vắc xin đề xuất nên tiêm gồm những loại chưa liệt kê ở trên. Bao gồm vắc xin viêm gan A (nếu bạn chưa được tiêm phòng), vắc xin ngừa dại, viêm não Nhật Bản, tả, và sốt phát ban. Tùy theo vùng bạn đến mà chọn loại vắc xin phù hợp.
  • Vắc xin cần thiết tiêm bao gồm sốt vàng da, bệnh viêm màng não và bại liệt. Các quốc gia nơi có bệnh sốt vàng da sẽ yêu cầu bạn xuất trình giấy chứng nhận quốc tế về tiêm chủng vắc xin (ICVP) trước khi đồng ý cho bạn qua cửa khẩu.

8. Phòng ngừa muỗi chích

medicalpost09

Bị muỗi cắn là nỗi ám ảnh của nhiều khách du lịch, phần lớn chúng sẽ mang lại cho bạn cảm giác phiền hà, khó chịu với nốt muỗi đốt gây ngứa, mất thẩm mỹ nhưng tệ hơn nó có thể truyền cho bạn nhiều loại dịch bệnh như sốt vàng da, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản và bệnh sốt rét.

Cho dù bạn ở nơi có mật độ muỗi thấp hoặc không có, bạn cũng nên có kế hoạch phòng ngừa muỗi chích, sau đây là một số cách hữu hiệu giúp bạn hạn chế mối phiền toái đáng ghét này:

  • Phòng có máy lạnh thông thường mật độ muỗi sẽ ít vì những phòng này ít khi mở cửa trừ khi cần dọn dẹp
  • Nên mặc những bộ quần áo dài tay sáng màu làm bằng cotton vào những thời điểm/nơi có nhiều muỗi như gần hồ nước, chập tối hoặc rạng sáng
  • Hãy mắc màn nếu có thể
  • Sử dụng những dụng cụ đuổi muỗi
  • Sử dụng bình xịt muỗi xịt thường xuyên trong phòng

9. Mang theo thuốc sốt rét khi cần thiết

malaria-medication-pills

Khi đi du lịch xa, nhất là nơi có nhiều rừng cây rậm rạp, bạn nên mang theo mình thuốc sốt rét. Nếu bạn đến những thành phố lớn, hiện đại thì không cần thiết phải mang theo.

Thuốc sốt rét là thuốc nên khó tránh khỏi những tác dụng phụ. Mỗi loại có tác dụng khác nhau đối với những người khác nhau. Ví dụ như người này bị tác dụng phụ khi uống thuốc không có nghĩa là người khác cũng bị như vậy. Trên thực tế, những người bị đau đớn do tác dụng phụ của thuốc là rất ít. Một số người sẽ chịu những cơn tác dụng phụ nhẹ, còn phần lớn sẽ không có vấn đề gì.

Vậy, những khi nào cần đem theo loại thuốc này? Sau đây là những trường hợp bạn cần cân nhắc mang theo:

  • Đến nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao
  • Thời gian bạn du lịch là ngắn ngày hay dài ngày
  • Hiện tại đang có dịch ở nơi bạn muốn đến hay không
  • Bạn sẽ làm gì? (đi du lịch trong thành phố hay khám phá những nơi rậm rạm, nhiều muỗi như rừng núi, ao hồ…)

Những mẹo vặt trên sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh khi đi du lịch cả trong nước lẫn nước ngoài, nhưng một số người chủ quan sẽ nghĩ những bước trên quá đơn giản và thường bỏ qua không thực hiện. Trước khi xách ba lô lên và đi, hãy quan tâm đến sức khỏe của bạn đầu tiên. Nó sẽ giúp bạn tận hưởng chuyến đi với tâm thế thoải mái và một cơ thể khỏe mạnh. Chúc bạn có một chuyến đi thật thuận lợi và như ý!

Thùy Liên (Theo Nomadic Matt)

In this article

Join the Conversation

%d bloggers like this: